Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do vi rút sởi gây nên vô cùng nguy hiểm đối với trẻ em vì dễ dàng lây qua đường hô hấp. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hoá, có phát ban dát đỏ mọc tuần tự từ mặt đến thân mình. Dưới đây là bài viết chia sẻ cách điều trị sởi mà ba mẹ cần nắm rõ để chăm sóc con đúng cách.
1. Các triệu chứng theo từng giai đoạn
- Thời kỳ ủ bệnh: Từ 8 - 11 ngày, thường không có biểu hiện lâm sàng.
- Thời kỳ khởi phát: Kéo dài 3 - 4 ngày, triệu chứng sốt nhẹ hoặc vừa, rồi sốt cao. Sau viêm kết mạc mắt đỏ có gỉ kèm nhèm và sưng nề mi mắt, viêm xuất tiết mũi, họng; chảy nước mắt nước mũi, ho. Ngoài ra, bé còn có thể có hạch ngoại biên to.
- Thời kỳ toàn phát: Kéo dài 4 - 6 ngày. Ban mọc trong 3 ngày, bắt đầu mọc ở sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống cổ, ngực, lưng, tay, rồi cuối cùng lan đến chân. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3-6 mm. Dạng ban là ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành.
- Thời kỳ lui bệnh: Vết ban dần biến mất theo thứ tự xuất hiện. Sau đó để lại vết thâm trên da. Khi có biến chứng thì trẻ vẫn sốt sau khi vết ban biến mất.
2. Cách điều trị bệnh sởi tại nhà
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu đối với virus sởi. Vì thế, chỉ có thể điều trị hỗ trợ để ngăn chặn biến chứng nặng nề của bệnh và giúp bệnh nhanh khỏi.
Ba mẹ nên chăm sóc và điều trị tại nhà cho bé nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly như sau:
- Khi chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ cần rửa tay sát khuẩn sạch sẽ.
- Nên cách ly riêng trẻ bị nhiễm sởi với các trẻ em khác.
- Nếu sốt cao trên 38.5°C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ căn phòng bé ở luôn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.
- Vệ sinh cơ thể bé mỗi ngày. Giữ móng tay sạch sẽ và tránh gãi nhiều khiến tổn thương làn da.
- Nếu trẻ vẫn còn đang bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú. Cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ăn đa dạng các món ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng.
- Ba mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước và điện giải để ngăn ngừa tình trạng mất nước do tiêu chảy và nôn.
3. Cách phòng tránh bệnh sởi ở trẻ em
- Tiêm vắc xin đầy đủ: Tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả và an toàn nhất. Mũi vắc xin đầu tiên được tiêm khi bé được 9 tháng tuổi, đến khi bé được 18 tháng thì tiêm mũi hai.
- Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng việc cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên bổ sung nhiều vitamin C, vitamin A... và cho trẻ vận động nhiều hơn để có sức khỏe khỏe mạnh và hạn chế mắc bệnh.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Tắm rửa sạch sẽ cho bé mỗi ngày, thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay hoặc xà phòng sát khuẩn và hạn chế đưa tay lên mắt, mũi. Nên vệ sinh miệng, mũi, họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.
- Giữ vệ sinh môi trường xung quanh: Ngoài việc vệ sinh phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát thì cần phải thường xuyên vệ sinh các vật dụng trong gia đình và khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng sát khuẩn.
(Nguồn: Sưu tầm)