Những ai lần đầu làm mẹ thường thắc mắc liệu trẻ sơ sinh uống sữa lạnh có được không? Sữa lạnh có khiến con bị đau bụng hay tiêu chảy không? Nếu đây cũng là những băn khoăn của mẹ, thì những thông tin mà Mẹ Khỏe Con Xinh đã tìm hiểu và tổng hợp được trong bài viết sau sẽ giúp ích cho mẹ trong việc chăm sóc con khỏe mạnh!
1. Trẻ sơ sinh uống sữa lạnh được không?
Trẻ sơ sinh có thể uống sữa lạnh, nhưng chỉ được uống sữa mẹ và không uống sữa bò.
Nhiều mẹ hâm nóng sữa cho con, tuy nhiên trẻ có thể uống sữa được bảo quản ở nhiệt độ cơ thể, làm ấm nhẹ, ở nhiệt độ phòng hoặc sữa được bảo quản trong tủ lạnh. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy sữa lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
2. Khi cho trẻ uống sữa lạnh cần nhớ những thông tin quan trọng:
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), sữa mẹ không cần hâm nóng, có thể cho bé dùng khi bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc để lạnh. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý các kỹ thuật chuẩn bị và bảo quản để duy trì chất lượng của sữa mẹ với sức khỏe em bé, bao gồm lượng sữa, nhiệt độ phòng khi vắt sữa, dao động nhiệt độ trong tủ lạnh và tủ đông, môi trường sạch sẽ.
Với sữa mẹ mới vắt, mẹ có thể bảo quản trong phòng lạnh hoặc nhiệt độ phòng ở 25 độ C trong 4 giờ. Nếu bảo quản trong tủ lạnh 4 độ C, sữa có thể để được 4 ngày, với ngăn đá là 6 tháng.
Với sữa rã đông, mẹ bảo quản trong nhiệt độ phòng từ 1-2 tiếng, 1 ngày trong tủ lạnh và không cất lại vào ngăn đá sau khi đã rã đông. Nếu sữa còn thừa sau khi em bé bú, mẹ sử dụng trong vòng 2 tiếng sau đó.
Các mẹ không nên bảo quản sữa ở ngăn cánh tủ lạnh và tủ đông, để bảo vệ sữa khỏi sự thay đổi nhiệt độ khi đóng, mở cửa.
Đối với sữa công thức, mẹ nên chú ý việc sử dụng đúng công thức, tỷ lệ sữa và nước để pha cho bé uống. Sữa có thể hơi nóng, hoặc lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần lưu ý không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng sữa bò.
Các chuyên gia cho rằng nên cho trẻ uống sữa ấm hơn là sữa lạnh. Lý do là nhiệt độ thấp có thể tách chất béo ra khỏi sữa, khiến trẻ nạp ít calo hơn so với thông thường. Nếu sử dụng sữa lạnh, các mẹ nên hâm nóng một chút hoặc lắc nhẹ để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng trong sữa của bé.
Nếu bé đang uống sữa ấm, có thể bị sốc khi đột ngột đổi sang sữa lạnh. Nếu mẹ muốn cho bé uống sữa lạnh, hãy để trẻ làm quen với sữa để mát trước, rồi dần dần cho bé uống sữa nguội để làm quen, không cho trẻ uống sữa khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh. Mẹ cũng chú ý cách hâm nóng để giữ được thành phần của sữa.
Nếu trẻ có vấn đề về sức khỏe hoặc thời tiết quá lạnh, thì nên cho bé dùng sữa ấm.
3. Các lưu ý quan trọng khi hâm nóng sữa mẹ:
Tuyệt đối không dùng lò vi sóng để hâm sữa mẹ. Đây là lời cảnh báo rất phổ biến và đầu tiên được nhiều chuyên gia chia sẻ khi đề cập đến việc hâm sữa. Bởi, lò vi sóng không làm sữa nóng đều, có những điểm sẽ bị quá nóng dẫn đến việc trẻ có thể bị bỏng miệng hoặc thực quản khi uống.
Không hâm lại sữa đã từng hâm nóng. Nếu sau 2 giờ kể từ khi hâm lần đầu mà bé vẫn chưa uống hết, thì mẹ nên bỏ để tránh nguy cơ sữa hư khi tiếp xúc với môi trường.
Không hâm sữa quá nóng vì các chất miễn dịch và dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ bị phá hủy nếu đun sữa quá nóng.
Trong trường hợp dùng máy hâm sữa, mẹ nên cài đặt nhiệt độ thấp để đảm bảo sữa không quá nóng. Thông thường, các loại máy hút sữa sẽ đều có hướng dẫn và gợi ý mức nhiệt độ thích hợp. Mẹ nên tham khảo để đảm bảo chất lượng sữa được giữ trọn vẹn.
Trong quá trình hâm sữa, cần đảm bảo bình đựng sữa kín, thời gian hâm chỉ vài phút. Kiểm tra nhiệt độ sữa trước khi cho trẻ uống, bằng cách nhỏ một vài giọt lên mu bàn tay.
Lưu ý: Trẻ dưới 1 tuổi không dùng sữa bò.